VũVănLý |
11/09/11 |
|
Người thầy của nhà thơ Yên Đổ Tế tửu Vĩnh Xuyên Vũ Văn Lý - Vườn Bùi Bốn năm sau, kể từ ngày cáo quan về ở vườn Bùi, làng Vỵ Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam), ngày 15-10 năm Thành Thái thứ nhất (1889) nhà thơ Nguyễn Khuyến khởi bút viết cuốn gia phả ngành thứ họ Nguyễn ở Vỵ Hạ. Nếu kể tổ tiên từ thời lập nghiệp, cũng đã qua 500 năm. Bản gia phả cho biết về cha mẹ, quá trình học hành của Nguyễn Khuyến và những người thầy đã có công giúp ông thành tài. Năm 1854 nhà thơ 19 tuổi. Cha mất, cảnh nhà tiêu điều, xơ xác, Nguyễn Khuyến phải đi dạy học ở Nho Quan (Ninh Bình), Liễu Đôi (Hà Nam)... Vừa dạy trẻ, có lúc phải đi riu tép kiếm sống. Kinh sử thông lầu mà mấy khoa thi đều trượt. Có người bạn khá giả ngỏ ý muốn giúp ông ăn học, nhưng vì lo mẹ già nên ông muốn mở trường kiếm tiền nuôi mẹ. Mẹ khuyên: "Nhà ta nối đời nho học, nếu như con gắng theo đòi thì mẹ dù đói rét cũng cam lòng. Nếu chỉ vì lợi trước mắt, để lỡ sự nghiệp, thì sau này nơi chín suối còn mặt mũi nào mà nhìn ông cha nữa." Nhà thơ kể: Khuyến tôi kính sợ vâng theo, bèn đến học quan Tế tửu Vĩnh Xuyên Vũ Văn Lý. Tròn hai năm, đến khoa Giáp Tý (1864) đỗ cử nhân đệ nhất danh. Tuy chiếm đầu bảng nhưng vẫn giữ bản chất con nhà nghèo, cơm canh rau đậu... Đến năm Tự Đức 24, khoa Tân Mùi (1871) tôi được lấy đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đệ nhất danh. Khoa này, thi hội, thi đình, tôi đều đỗ đầu, được ban cờ biển có hai chữ "Tam nguyên" để vinh quy. Về đến quê, làm lễ lạy chào mẹ, mẹ tôi mừng ứa nước mắt... Cuộc đời khoa cử lận đận, gần 30 chục năm đèn sách, chín lần lều chõng đi thi là nghị lực phi thường của ông và công lao của những người thầy, trong đó phải kể đến tiến sĩ Vũ Văn Lý, người thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Tiến sĩ Vũ Văn Lý hiệu là Tế Xuyên, là con cụ Vũ Văn Huyên, một người nổi tiếng văn thơ của đất Nam Xang, từng giữ chức Hàn lâm viện thị giảng. Ông sinh ngày 18 tháng 12 năm Gia Long thứ 6 (1807) tại Vĩnh Trụ. Ông đã hai lần đỗ tú tài, rồi cử nhân khoa Canh Tý (1840), năm sau lại đỗ tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1841). Quan nghè họ Vũ được cử giữ các chức Hàn lâm viện biên tu, Tri phủ Thái Bình, biên tu Quốc Tử Giám. Năm 1851 ông được vua Tự Đức cho về hưu và mở trường dạy học tại quê. Trong 13 năm mở trường, học trò của ông có nhiều người thành đạt như Vũ Hữu Lợi (ông nghè Lợi Giao Cù), Bùi Quế (ông nghè Châu Cầu), Dương Khuê... và đặc biệt là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Thời Nguyễn không lấy trạng nguyên, có tám người đạt danh hiệu Tam nguyên (đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình), thì Nguyễn Khuyến là một. Bằng bài Văn sách thi đình, Nguyễn Khuyến đã chiếm bảng vàng năm 37 tuổi. Vào năm Tự Đức thứ 23 (1871), Nguyễn Khuyến đỗ thủ khoa, thì Tiến sĩ Vũ Văn Lý được triều đình mời vào Huế lần thứ hai để nhậm chức Quốc tử giám Tế tửu, Hàn lâm viện Thị giảng (tương đương với chức hiệu trưởng trường đại học). Đến năm 66 tuổi, quan nghè họ Vũ từ Huế về quê Vĩnh Trụ và bốn năm sau, giờ tý ngày 3 tháng 5 Mậu Dần (1878) người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò nổi tiếng mất, thọ 71 tuổi. Tiến sĩ được triều đình phong Trung thuận Đại phu vì có công xây dựng khối đoàn kết lương giáo ở huyện Lý Nhân, hiện ở Văn Thánh (Huế) còn bia đá ghi tên các nhà khoa bảng triều Nguyễn trong đó có Vũ Văn Lý và các học trò nổi tiếng của ông. Nguyễn Thế Vinh
|
This site was last updated 01/14/06